Thứ 3 ngày 25 tháng 02 năm 2020Lượt xem: 11427
Thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.
Đã có rất nhiều cuộc đời được “hồi sinh” trở lại sau những ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Các Bác sĩ, Điều dưỡng Bệnh viện TWQĐ 108 đã “tái sinh” những chi thể bị đứt rời qua phẫu thuật trồng lại chi thể đứt rời tự thân ứng dụng kỹ thuật vi phẫu hoặc cấy ghép chi thể đồng loại ở trình độ đỉnh cao với sự chính xác tuyệt đối.
Ca mổ được tiến hành vào ngày 21/1/2020 tại Bệnh viện TWQĐ 108 do các Bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 trực tiếp thực hiện.
Tai nạn lao động và nỗi đau tinh thần
Đối với bệnh nhân Phạm V.V, ngày 11/7/2016 chắc hẳn mãi mãi sẽ là một ngày đáng quên khi không may anh bị tai nạn lao động do máy đột dập trong lúc đang làm việc. Anh thực sự sững sờ khi nhìn thấy toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái của mình bị tổn thương chảy máu, dập nát và biến dạng hoàn toàn. Mặc dù đã được cơ quan và bạn bè băng bó rồi đưa ngay đến Bệnh viện TWQĐ 108 cấp cứu, tuy nhiên sau khi thăm khám kỹ lưỡng tình trạng tổn thương, các Bác sĩ đã buộc phải đưa ra chỉ định cắt cụt chi thể cấp cứu cho anh do vết thương dập nát nặng nề và hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn. Dù vết thương mỏm cụt liền sẹo kỳ đầu và anh được xuất viện sau 2 tuần điều trị, nhưng nỗi đau tinh thần vì sự mất mát khi bị cụt một tay ngay từ khi vẫn còn đang rất trẻ cộng với những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và những hạn chế trong kết quả lao động nghề nghiệp do bị thiếu hụt chi thể luôn luôn ám ảnh trong anh một ý nghĩ: giá mà không có cái này định mệnh đau đớn ấy.... giá mà nền y học tiên tiến hiện nay có thể làm được điều gì đó để hoàn trả lại cho anh bàn tay trái đã bị cắt cụt...
Hành trình kỳ diệu mang đến cho bệnh nhân “bàn tay mới”
Ngày 03/1, kíp trực của khoa cấp cứu thuộc Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận một ca bệnh rất nặng nề và phức tạp do bị tại nạn lao động từ tuyến dưới chuyển lên. Bệnh nhân vào viện cấp cứu ở giờ thứ 5 sau khi bị tai nạn do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay trái cho đến sát nách. Khám xét chuyên khoa ngay tại phòng cấp cứu cho thấy: bệnh nhân trong tình trạng bị sốc nặng do mất máu. Vết thương đã gây đứt bó mạch cánh tay sát vùng nách, kèm theo nhổ giật cả 3 dây thần kinh (dây Thần kinh quay, Thần kinh trụ, Thần kinh giữa - đây là những dây thần kinh chi phối cho chức năng vận động và cảm giác của chi trên), có sai khớp vai kèm theo gẫy xương và sai khớp khuỷu, bị dập nát và mất nuôi dưỡng toàn bộ khối cơ vùng mặt trước cánh tay và cẳng tay. Khám xét kỹ cho thấy vùng 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái tuy nhiên còn tương đối bình thường.
Với tinh thần còn nước còn tát, kíp trực đã nhanh chóng đưa BN đi mổ cấp cứu để cứu sống tính mạng bệnh nhân. BN đã được phẫu thuật: nắn chỉnh sai khớp vai và sai khớp khuỷu, nối lại động mạch nách, cắt lọc cơ hoại tử vùng cánh tay và cẳng tay, rạch mở rộng da và để ngỏ để giải phóng chèn ép khoang bên trong. Kiểm tra trong mổ cho thấy cả 3 dây thần kinh bị dập nát gây mất đoạn khoảng 15cm từ cánh tay đến khuỷu. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức tích cực bằng truyền máu, truyền dịch, kháng sinh, giảm đau...
Mặc dù thoát sốc và tính mạng bệnh nhân được cứu sống, tuy nhiên theo dõi sau mổ cho thấy các khối cơ vùng cẳng tay và cánh tay vẫn tiếp tục hoại tử thứ phát và bội nhiễm. Bệnh nhân được hội chẩn nhiều lần qua các cấp trong bệnh viện và cùng thống nhất kết luận: Chỉ định cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay là chỉ định tuyệt đối vì không còn khả năng bảo tồn, giả sử - nếu có cố bảo tồn được đi nữa - thì chi thể này cũng hoàn toàn không còn bất cứ chức năng sống nào và không thể sử dụng được (không có cảm giác, không có vận động, sẽ gây co quắp biến dạng và đau đớn sau này...). Khi thống nhất chỉ định cắt cụt ngang mức 1/3 trên cánh tay, các bác sỹ cũng nhận thấy rằng: phần thừa của chi thể sẽ bị cắt cụt còn tương đối bình thường và có thể được sử dụng dể ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng.
Được sự đồng ý tuyệt đối của BN và gia đình BN - như một nghĩa cử vô cùng cao đẹp và nhân văn - cho phép sử dụng phần thừa của chi thể cắt cụt để ghép cho các BN bị khuyết hụt tương ứng. Các xét nghiệm hòa hợp miễn dịch giữa người cho và người nhận (BN V.) đạt mức hòa hợp gần như tối ưu.
Vì phần chi thể từ cánh tay đến cẳng tay của chi thể chuẩn bị cắt cụt đang bị hoại tử và bội nhiễm thứ phát nên bàn tay sẽ được ghép đối diện với nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Sau khi cân nhắc cẩn thận và kỹ lưỡng mọi nguy cơ có thể xảy ra, với quyết tâm cao của Giám đốc Bệnh viện GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng cùng toàn thể BGĐ Bệnh viện và kíp phẫu thuật trong phiên hội chẩn đặc biệt trước mổ, đã quyết định sẽ thực hiện ca mổ “ghép bàn tay mới” cho anh P.V.Vương.
Anh V vui mừng vì "bàn tay mới" hoà hợp. Anh gửi lời tri ân đến các thầy thuốc, đến người "chú" đã đồng ý để bàn tay của chú tiếp tục "sống" trên cơ thể anh, giúp anh có một cuộc sống bình thường
“Mốc son mới” của Bệnh viện TWQĐ 108 nói riêng và nền y học nước nhà nói chung
Với sự quan tâm và chỉ đạo đặc biệt của Bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện (GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng) và toàn thể Ban Giám đốc Bệnh viện cũng như Hội đồng y đức và các chuyên ngành liên quan, ngày 21/1/2020, bệnh nhân Phạm V.V. đã được phẫu thuật ghép 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay lấy từ người cho sống. Ca phẫu thuật do trực tiếp GS.TSKH.TTND Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc cùng với các Bác sĩ khoa Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện CTCH, Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện. Sau 8 tiếng phẫu thuật với sự hỗ trợ hiệu quả của nhiều chuyên ngành khác nhau trong Bệnh viện như: khoa gây mê, khoa hồi sức, dược, trang bị, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống thải ghép... tất cả các cấu trúc giải phẫu chức năng của chi ghép (như da, cân cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh....) đã được phục hồi hoàn chỉnh và đầy đủ. Chi ghép sau mổ sống tốt và được tưới máu giống như chi bên lành. Bệnh nhân sau đó được cách ly và chăm sóc theo chế độ đặc biệt 24/24h có sự phối hợp của rất nhiều chuyên khoa như: CTCH và vi phẫu thuật, chống thải ghép, giảm đau sau mổ, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng...
Một tháng sau mổ, diễn biến của ca ghép là hết sức thuận lợi. Bàn tay sống, được tưới máu tốt và tất cả các vết thương đều đã liền. BN đã có thể tự vận động được các ngón tay của bàn tay ghép và có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số các đồ vật thô. BN đang tiếp tục được theo dõi, chăm sóc và điều trị PHCN tích cực trong thời gian tới để tối ưu hóa cả chức năng vận động và cảm giác của chi thể ghép.
Thành công của ca ghép mở ra hướng điều trị mới trong tương lai, không chỉ ghép chi thể từ người hiến chết não mà còn từ người sống cho những người bệnh không may bị mất đi chi thể.
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.